Skip to main content

Vị trí địa lý, điều kiện tự nhiên, kinh tế xã hội

BỘ MÁY HÀNH CHÍNH VÀ ĐẶC ĐIỂM TÌNH HÌNH XÃ THANH SƠN

          1. Điều kiện tự nhiên

          Xã Thanh Sơn là xã vùng III, xã đặc biệt khó khăn, nằm ở phía tây huyện Hữu Lũng, cách trung tâm huyện khoảng 17 km, có tuyến đường tỉnh lộ 242 chạy qua. Là xã miền núi thuộc vòng cung Bắc Sơn, hệ thống núi đá vôi tạo ra nhiều hang động, cảnh quan đẹp; xưa kia nơi đây rừng núi bạt ngàn, có nhiều gỗ quý và lâm thổ sản, xen kẽ các dãy núi là những thửa ruộng và đất trồng mầu; với địa hình chủ yếu là núi đá vôi nên sản xuất nông nghiệp còn gặp nhiều khó khăn. Theo thống kê năm 2015 diện tích đất tự nhiên toàn xã 2.304,10ha, trong đó đất thổ cư 30,36ha, đất vườn 96,0ha, đất nông nghiệp 918,7ha, đất trồng cây hàng năm 654,0ha, đất lâm nghiệp + đất khác 605,04ha. Trong quá trình phát triển, người dân nơi đây đã khai thác nguồn lợi tự nhiên để phục vụ và nâng cao đời sống, nhờ vậy mà bộ mặt làng xã từng bước được thay đổi

          Thanh Sơn nằm ở 21032΄38˝ vĩ độ bắc và 106013΄15˝ kinh độ đông, mang đầy đủ đặc trưng khí hậu vùng Đông Bắc, với tính chất nhiệt đới gió mùa. Nhiệt độ bình quân trong năm là 22,50c, lượng mưa bình quân trong tháng 5, 6, 7, 8, 9, 10 là 1.418 mm chiếm 89,9% lượng mưa trong năm, về mùa đông nhiệt độ có lúc xuống tới 1,10c, lượng mưa bình quân trong tháng 11, 12, 1, 2, 3, 4 là 278 mm chiếm 10,1% lượng mưa trong năm, vì thế mùa đông thường xảy ra hạn hán kéo dài; độ ẩm bình quân từ 80% - 83%.

          Ranh giới hành chính của xã  như sau:

          - Phía Đông giáp xã Minh Tiến, huyện  Hữu Lũng, tỉnh Lạng Sơn.

          - Phía Nam giáp xã  Vân Nham  huyện Hữu Lũng, tỉnh Lạng Sơn.

          - Phía Tây Nam giáp xã  Đồng Tiến, huyện Hữu Lũng, tỉnh Lạng Sơn.

          - Phía Tây Bắc giáp xã Thiện Kỵ, huyện Hữu Lũng, tỉnh Lạng Sơn.

          - Phía Bắc giáp xã Tân Lập, huyện Hữu Lũng, tỉnh Lạng Sơn.

          Số hộ nghèo năm 2020 là 88 hộ, chiếm tỷ lệ 11.69 %, hộ cận nghèo là 92 hộ chiếm tỷ lệ 12.22 %;

          2. Quá trình hình thành và phát triển

          Trong quá trình phát triển, vận động cùng lịch sử quốc gia dân tộc, trước tháng 11 năm 1953, xã Thanh Sơn ngày nay là một phần đất thuộc xã Vân Nham. Đầu thời Nguyễn, Hữu Lũng có 04 tổng (Hữu Thượng, Hưng Vĩ, Vân Nham, Thuốc Sơn) với 28 xã, Vân Nham thuộc tổng Vân Nham huyện Hữu Lũng. Ngày 05 tháng 11 năm 1889 thực dân Pháp cắt toàn bộ đất đai của Hữu Lũng để thành lập tỉnh Lục Nam. Tỉnh Lục Nam chỉ tồn tại đến tháng 8 năm 1891 và được thay thế bằng Đạo quan binh Phả Lại; ngày 10 tháng 10 năm 1895 Đạo quan binh Phả Lại giải tán, tỉnh Bắc Giang được thành lập gồm hai phủ Lạng Giang và Đa Phúc, lúc này Vân Nham thuộc Hữu Lũng phủ Lạng Giang và thuộc Đạo quan binh Yên Thế. Ngày 11 tháng 04 năm 1900, Hữu Lũng nằm trong tỉnh Bắc Giang ðến nãm 1908 ðổi thành châu Hữu Lũng gồm 02 tổng Vân Nham và Thuốc Sõn với 16 xã. Xã Vân Nham thuộc tổng Vân Nham, châu Hữu Lũng, tỉnh Bắc Giang.     

          Cách mạng Tháng Tám thành công, chính quyền về tay Nhân dân, Chính phủ Cách mạng lâm thời tiến hành xây dựng hệ thống tổ chức bộ máy quản lý hành chính Nhà nước mới. Ngày 08 tháng 9 năm 1945, Chính phủ ra Sắc lệnh mở cuộc tổng tuyển cử bầu Quốc dân Đại hội (Quốc hội) trong cả nước. Ngày 21 tháng 11 năm 1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh ký Sắc lệnh số 63 quy định về bầu cử, tổ chức, cách làm việc của Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân. Tổ chức chính quyền mới gồm 04 cấp: Trung ương, tỉnh, huyện, xã; xóa bỏ cấp phủ và cấp tổng, xã Vân Nham thuộc huyện Hữu Lũng tỉnh Bắc Giang. Tháng 11 năm 1953, xã Vân Nham tách thành 04 xã gồm Vân Nham, Thanh Sơn, Đồng Tiến, Đô Lương; xã Thanh Sơn gồm có các thôn Lay, thôn Điển, thôn Niêng và thôn Bàng.

          Chín năm trường kỳ gian khổ cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp kết thúc với chiến thắng Điện Biên Phủ, ngày 07 tháng 5 năm 1954 Hiệp định Giơnevơ được ký kết, hòa bình lập lại trên miền Bắc, Nhân dân Thanh Sơn cùng toàn Đảng, toàn dân miền Bắc bắt tay vào xây dựng chính quyền Nhân dân, khắc phục những khó khăn do chiến tranh và chế độ cũ để lại, khôi phục sản xuất, phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương. Sau đợt giảm tô, cải cách ruộng đất, ngày 19 tháng 7 năm 1956, nhân việc thành lập Khu tự trị Việt Bắc, theo quyết định của Chính phủ, Hữu Lũng trở thành một đơn vị hành chính của tỉnh Lạng Sơn, xã Thanh Sơn thuộc huyện Hữu Lũng tỉnh Lạng Sơn.

          Trải qua quá trình lịch sử, vùng quê Thanh Sơn đã có nhiều sự đổi thay, dân cư làng xã càng ngày thêm đông. Năm 1953 xã Thanh Sơn có khoảng gần 150 hộ dân, trên 600 nhân khẩu, đến năm 2015 dân số xã Thanh Sơn có 666 hộ với 3.139 nhân khẩu, gồm 03 dân tộc chính: Nùng, Kinh, Tày.

          Năm 2015 xã có 08 thôn gồm thôn Lay I; Thôn Lay II; Thôn Điển Dưới; Thôn Điển Trên; Thôn Niêng; Thôn Bàng Dưới; Thôn Bàng Trên và Thôn Na Đàn.

          Tính đến thời điểm năm 2021, các thôn trên địa bàn xã đã sáp nhật lại, hiện còn 5 thôn: Lay (Lay I + Lay II); Điển Trên, Điển Dưới, Đoàn Kết (Niêng + Bàng Dưới); Thống Nhất (Bàng Trên + Na Đàn)

            3. Truyền thống lịch sử

          Truyền thống văn hóa của nhân dân các dân tộc xã Thanh Sơn là thành quả kết tinh qua nhiều thế hệ, qua quá trình bền bỉ lao động sản xuất cải tạo thiên nhiên, kiên cường chống giặc ngoại xâm, bảo vệ xóm làng, bảo vệ nền độc lập đã được hun đúc, góp phần làm phong phú bản sắc làng, xã Việt Nam. Tự hào về truyền thống quê hương, đất nước, Đảng bộ và nhân dân xã Thanh Sơn đã và đang ra sức quyết tâm xây dựng cuộc sống ngày càng ấm no, hạnh phúc, giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa truyền thống.

          Nhân dân xã Thanh Sơn chủ yếu sống bằng nghề nông nghiệp, đã trải qua hàng trăm năm khai phá rừng rậm, san đồi, lấp suối làm nên những thửa ruộng, cánh đồng, nương bãi để sinh tồn, người Thanh Sơn phải chống chọi với thiên nhiên cho nên trong tiềm thức của người dân có một tình yêu quê hương, tình yêu đất nước đã nẩy nở và nuôi dưỡng từ lâu, nó trở thành điểm tựa và động lực tinh thần to lớn để xây dựng, bảo vệ quê hương đất nước. Nhờ trải nghiệm từ những cuộc đấu tranh nên con người xã Thanh Sơn đã được rèn luyện với bản lĩnh dầy dạn, kiên cường.

          Là một địa phương có nhiều dân tộc anh em sinh sống đan xen, hoà thuận trên một địa bàn cư trú đã tạo nên cho Thanh Sơn có đời sống văn hoá tinh thần hết sức đa dạng, phong phú; Nhân dân trong xã không theo các tôn giáo mà chủ yếu theo tập quán ông cha để lại là thờ cúng tổ tiên tại gia đình, các tập tục ma chay cưới gả, hiếu hỷ đều theo truyền thống, sinh hoạt văn hóa cộng đồng.... tuy nhiên, phong tục tập quán ở Thanh Sơn cũng có những tiết lệ riêng của làng xã; các dân tộc vẫn giữ được nét văn hóa riêng như hát then, lượn của dân tộc Tày, Nùng tạo nên các giá trị văn hóa tốt đẹp, góp phần làm nền tảng tinh thần xã hội, trở thành những nhân tố tích cực trong quá trình xây dựng và bảo vệ quê hương. Nổi bật là những hoạt động lễ, hội trong dịp tết đến, xuân về, những hoạt động văn hoá của đồng bào luôn gắn với phong tục, tập quán sinh hoạt và sản xuất, thể hiện sự gắn bó với thiên nhiên, thể hiện tình yêu quê hương, đất nước, là niềm tự hào của đồng bào nơi đây. Vì vậy, các giá trị văn hoá vật thể, phi vật thể và di tích lịch sử khá phong phú như: Đình làng Lay, Đình làng Điển Dưới; Đình làng Bàng và Đình Na Đàn, Đền Mỏ Giăng, Chùa làng Điển Trên và Chùa làng Lay. Các ngôi đình, chùa, đền đã bị xuống cấp do thời gian, ngày nay đã được nhân dân tu sửa làm nơi sinh hoạt văn hóa của các cộng đồng dân cư.

          4. Tổ chức bộ máy hành chính

          Tổ chức bộ máy hành chính gồm: 01 đ/c bí thư Đảng ủy kiêm Chủ tịch UBND xã, 01 Phó bí thư Đảng ủy kiêm chủ tịch HĐND xã, 01 đồng chí phó bí thư TT Đảng ủy, 01 phó chủ tịch HĐND; 01 Phó chủ tịch UBND xã; 05 đồng chí lãnh đạo MTTQ và các đoàn thể xã; 01 đồng chí trưởng công an xã; 01 đồng chí chỉ huy trưởng Ban CHQS xã; 02 công chức Văn phòng – Thống kê; 02 Công chức Địa chính – Xây dựng; 02 công chức Tư pháp - Hộ tịch; 02 Công chức Văn hóa – xã hội và 01 công chức Tài chính – Kế toán.

 

 

About